Để sản xuất ra được những tấm vải đẹp, nhiều màu sắc, hoa văn; cần trải qua một quá trình sản xuất với nhiều giai đoạn phức tạp. Trong suốt quá trình đó, một lượng lớn hóa chất được sử dụng, đồng thời, chất thải từ vật liệu sử dụng cũng được tạo thành.
Sự xuất hiện của lượng lớn chất thải trở thành vấn đề nghiêm trọng mà ngành dệt may phải đối mặt. Chất khử, chất tẩy trắng, axit, sáp, chất béo, … đây là các hóa chất chủ yếu xuất hiện trong nước thải ngành dệt may. Dù ở nồng độ bao nhiêu, giai đoạn ứng dụng nào thì những chất này cũng gây ra tác hại không nhỏ cho môi trường nước và đời sống của động vật thủy sinh.
Trước thực trạng gây ô nhiễm môi trường mà ngành dệt may gây ra, nhiều Chính phủ, cơ quan pháp quyền đã ban hành quy định cụ thể liên quan đến yêu cầu, tiêu chuẩn xử lý nước thải, khí thải, đòi hỏi doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt.
Mô hình ứng dụng ozone trong xử lý nước thải
Vấn đề ô nhiễm ngành dệt may phải đối mặt
Như đã trình bày ở trên, ở nhiều giai đoạn khác nhau của quy trình dệt may, hóa chất được sử dụng với hàm lượng không nhỏ. Điển hình hơn cả là quá trình in. Ở giai đoạn này, một lượng lớn dung môi được sử dụng để sản xuất keo in, chúng tạo ra chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và chất hữu cơ khó xử lý.
Nước thải ngành dệt may thường chứa lượng lớn chất tạo màu
Theo số liệu thống kê thực tế, chất thải sinh ra từ ngành dệt may bao gồm các thành phần chính sau:
- Thuốc nhuộm
- Hydrocacbon béo
- Các amin thơm
- Diethlenene glucol và polyols
- Amoniac
- Metanol
- Este axit photphoric
- Acylat và vinylaxetat
- Sulphates và sulphite
Ứng dụng ozone trong ngành dệt may
Video thí nghiệm khí ozone xử lý nước thải nhuộm vải quần jeans
Với sự đa dạng của thành phần chất thải sinh ra trong ngành dệt may nêu trên, cần áp dụng đồng thời nhiều phương pháp khác nhau để giải quyết triệt để vấn đề. Trong đó, ozone được ứng dụng để oxy hóa các chất ô nhiễm hữu cơ, chuyển đổi COD thành BOD làm tăng hiệu quả của quá trình phân hủy sinh học, xử lý chất VOC, xử lý màu và mùi trong nước. Ngoài ra, ozone cũng được dùng ở giai đoạn cuối- khử trùng- trước khi đưa nước ra môi trường tự nhiên.
Cơ sở khoa học để ứng dụng ozone trong ngành dệt may là do đây là khí có tính oxy hóa khử mạnh (phản ứng với hơn 300 hóa chất khác nhau, làm bất hoạt nhiều loại vi khuẩn, virus gây hại trong nước và không khí).
Khi khí ozone tiếp xúc với hóa chất trong nước, chúng tạo ra phản ứng hóa học, sản sinh sản phẩm cuối cùng mang tính thân thiện với môi trường và con người (chủ yếu là nước và CO2). Đối với vi sinh vật, ozone tác động đến lớp vỏ tế bào, khiến chúng bị bất hoạt, không thể sinh sôi cũng như gây bệnh.
Sử dụng ozone giúp xử lý màu nước thải dễ dàng
Ozone dành lợi thể hơn so với các phương pháp khử trùng khác khi chúng được sử dụng tại chỗ, không yêu cầu việc vận chuyển. Bên cạnh đó, ozone cũng dễ dàng phân rã thành oxy, không để lại dư lượng độc hại cũng như không sản sinh phụ phẩm.
Ứng dụng ozone trong ngành dệt may nói riêng và trong xử lý nước thải công nghiệp nói chung đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế gưới từ nhiều năm trở lại đây. Kết quả thu được đều mang tính khả quan, mở ra hướng đi mới trong hoạt động sản xuất kinh tế của con người, đảm bảo đồng thời yếu tố kinh tế và sự thân thiện với môi trường.